Tìm ngành học yêu thích

Học các ngành xã hội, nhân văn là vô dụng?

CÔNG TY TNHH THÁI DƯƠNG - VIỆT NAM (Sunrise Vietnam)
 Sunrise Vietnam
Xếp hạng: 3.7 (3 bình chọn)
Mục lục [ Ẩn ]
hoc-cac-nganh-xa-hoi-nhan-van-la-vo-dung

(Bản quyền hình ảnh: GETTY IMAGES)

 

Hồi học trường đại học, khi tôi nói với mọi người tôi đang học ngành sử học, câu trả lời gần lúc nào cũng vậy: "Cậu muốn làm thầy giáo à?" Không, nhà báo. "Ồ, nhưng cậu đâu có học ngành truyền thông?"

 

Học để có việc làm

Ở thời kỳ mà học đại học còn là lãnh địa riêng của số ít những người có đặc quyền, có lẽ không có sự mặc định rằng tấm bằng đại học nhất thiết phải là bệ phóng cho sự nghiệp sau này. Những ngày đó đã qua rồi.

 

Ngày nay, tấm bằng không là gì nhưng nhất thiết cần phải có để bước vào thị trường lao động, một thị trường mà có trên phân nửa khả năng là bạn thất nghiệp.

 

Tuy chỉ bằng đại học không thì không đủ để đảm bảo có được việc làm, nhưng chúng ta lại tốn kém ngày càng nhiều để học đại học.

 

Ở Mỹ, tiền phòng, tiền ăn ở và học phí ở đại học tư mất trung bình 48.510 đô la một năm. Ở Anh, chỉ riêng tiền học phí đã là 12.000 đô la một năm cho sinh viên bản địa. Còn ở Singapore, bốn năm ở đại học tư có thể tốn đến 51.000 đô la Mỹ.

 

Đi học chỉ để có kiến thức là một điều tốt. Nhưng với những chi phí như thế, không có gì lạ là phần đông chúng ta muốn tấm bằng của mình đem lại những thành quả cụ thể hơn.

 

Nhìn chung thì đúng là có bằng cấp có hơn. Chẳng hạn như ở Mỹ, người có bằng cử nhân có thể kiếm nhiều hơn người không học đại học 461 đô la một tuần.

 

Nhưng đa số chúng ta muốn tối ưu hóa khoản đầu tư đó - và điều đó dẫn đến phương án học đại học là học đúng ngành cần để đi làm.

 

Bạn muốn làm nhà báo? Hãy đi học báo chí, mọi người nói thế. Làm luật sư? Hãy học luật. Không chắc lắm? Học ngành STEM (tức là các ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán) - bởi như vậy bạn sẽ trở thành kỹ sư hay chuyên gia IT.

 

Và cho dù bạn có học ngành gì đi nữa, hãy quên những ngành giáo dục đại cương - những ngành không định hướng nghề nghiệp như khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, toán học và các ngành khoa học nhân văn như lịch sử, triết học và các ngoại ngữ.

 

hoc-cac-nganh-xa-hoi-nhan-van-la-vo-dung

(Bản quyền hình ảnh: JOPWELL COLLECTION)


Điều này đã được thể hiện trong những tuyên bố và chính sách trên khắp thế giới.

 

Ở Mỹ, các chính trị gia từ Thượng nghị sỹ Marco Rubio cho đến cựu Tổng thống Barack Obama đã nói đùa về các ngành xã hội nhân văn (ông Obama sau đó đã xin lỗi).

 

Ở Trung Quốc, chính phủ đã công bố kế hoạch đưa 42 trường đại học của họ thành các viện đại học khoa học và công nghệ đẳng cấp thế giới.

 

Ở Anh, việc chính phủ tập trung vào ngành STEM đã dẫn đến sự sụt giảm gần 20% số sinh viên theo học lấy chứng chỉ dự bị đại học (A-Levels) ở môn tiếng Anh và giảm 15% số sinh viên học ngành nghệ thuật.

 

Tuy nhiên cách làm này có vấn đề.

 

Đó không chỉ là chúng ta đang đánh mất những phương cách quan trọng để hiểu và cải thiện vừa thế giới vừa bản thân chúng ta - gồm cả việc tăng cường hạnh phúc bản thân, khơi nguồn sáng tạo và tạo ra sự khoan dung bên cạnh những giá trị khác, mà nó còn dẫn đến những mặc định của chúng ta về giá trị thị trường của một số tấm bằng nhất định, theo đó một số tấm bằng được cho là vô giá trị so với một số tấm khác.

 

Trong trường hợp tốt nhất, nó có thể khiến cho một số sinh viên bị áp lực không cần thiết. Trường hợp xấu nhất, nó đẩy chúng ta vào những con đường đưa đến cuộc sống ít viên mãn hơn.

 

Nó cũng định hình mặc định của chúng ta về những sinh viên khoa học đại cương là 'đẳng cấp tinh hoa' - điều mà có thể làm các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng như bất cứ những ai muốn thu được lợi ích ngay từ khoản tiền bỏ ra học đại học bị chùn bước trong việc theo học những ngành học có khả năng có ích cho họ.

 

Kỹ năng mềm, tư duy phản biện

George Anders tin rằng chúng ta đã hoàn toàn sai lầm về các ngành khoa học nhân văn. Khi ông còn là phóng viên mảng công nghệ cho Forbes từ 2012 cho đến 2016, ông nói rằng ý nghĩ bao trùm Thung lũng Silicon là "không có giáo dục nào khác ngoài giáo dục STEM".

 

Nhưng khi ông nói chuyện với giám đốc tuyển dụng ở những công ty công nghệ lớn nhất, ông đã nhận ra một thực tế khác.

 

"Uber đang tuyển những người có bằng tâm lý học để giải quyết những khách hàng và tài xế không hài lòng. Opentable tuyển những người tốt nghiệp ngành Anh văn để đưa dữ liệu đến những ông chủ nhà hàng để khiến họ hứng thú với những gì mà số liệu có thể giúp cho nhà hàng của họ," ông nói.

 

"Tôi nhận ra rằng khả năng giao tiếp và có quan hệ tốt với người khác và có thể hiểu được những gì người khác suy nghĩ và có đầu óc tư duy phản biện sắc bén nhất - tất cả những điều này đều được mọi người trân trọng và đánh giá cao như là những kỹ năng nghề nghiệp quan trọng."

 

Nhận thức này đã dẫn tới việc ông viết cuốn sách có tựa đề phù hợp là 'Bạn có thể làm được tất cả: Sức mạnh đáng kinh ngạc của Các ngành giáo dục đại cương 'vô dụng'.

 

Hãy xem những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm.

 

Nghiên cứu của LinkedIn về những kỹ năng công việc được các nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2019 cho thấy ba 'kỹ năng mềm' được cần nhất là 'sáng tạo, thuyết phục và hợp tác', còn một trong năm 'kỹ năng cứng' hàng đầu là quản lý con người.

 

Có 56% các công ty Anh được khảo sát cho biết nhân viên của họ thiếu những kỹ năng làm việc nhóm thiết yếu và 46% trong số đó cho rằng họ gặp vấn đề khi nhân viên của họ phải chật vật kiểm soát cảm xúc cho dù đó là cảm xúc của họ hay của người khác.

 

Mà đó không chỉ là các ông chủ lao động Anh: một nghiên cứu hồi năm 2017 phát hiện rằng những công việc tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ trong vòng 30 năm qua gần như toàn bộ đều đòi hỏi các kỹ năng xã hội ở mức độ cao.

 

Thiết yếu cho thời đại ngày nay?

Hay hãy nghe trực tiếp lời khuyên của hai nhà điều hành hàng đầu ở tập đoàn Microsoft mới viết gần đây: "Do máy tính phản ứng càng giống con người, các ngành khoa học xã hội và nhân văn sẽ trở nên còn quan trọng hơn nữa."

 

"Các ngành học về ngôn ngữ, nghệ thuật, lịch sử, kinh tế, đạo đức học, triết học, tâm lý học và phát triển con người có thể dạy cho chúng ta những kỹ năng phân tích, triết lý và dựa trên nền tảng đạo đức vốn có vai trò trọng yếu trong việc phát triển và quản lý các giải pháp trí tuệ nhân tạo."

 

Dĩ nhiên, không cần phải giải thích là bạn có thể trở thành người giao tiếp tài ba và có tư duy phân tích mà không cần phải học ngành giáo dục đại cương. Và việc được đào tạo tốt ở bất kỳ trường đại học nào, không chỉ là học Anh văn hay tâm lý học, có thể giúp rèn luyện hơn nữa những khả năng này.

 

"Bất cứ bằng cấp nào cũng sẽ đem đến cho chúng ta những kỹ năng chung rất quan trọng như viết, trình bày lập luận, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và trở nên quen thuộc với công nghệ," nhà tư vấn giáo dục và hướng nghiệp Anne Mangan ở Dublin nói.

 

Nhưng không mấy ngành học mang nặng tính đọc, viết, nói và tư duy phản biện nhiều như các ngành đại cương, nhất là các ngành nhân văn - cho dù đó có là tranh luận với các sinh viên khác ở một hội thảo, viết luận án hay phân tích thơ.

 

Khi được yêu cầu thu gọn lại chỉ còn ba kỹ năng giúp cử nhân ngành khoa học nhân văn dễ dàng bước vào thị trường lao động nhất, Anders không ngần ngại nói: "Sáng tạo, tò mò và thấu cảm".

 

"Thấu cảm thường là kỹ năng quan trọng nhất. Nó không phải chỉ đơn giản là cảm thấy đau buồn khi người khác gặp nạn. Nó có nghĩa là khả năng hiểu những nhu cầu và mong muốn của nhiều nhóm người đa dạng."

 

"Hãy nghĩ về những người giám sát thử nghiệm thuốc lâm sàng. Bạn phải làm sao cho tất cả bác sỹ, y tá và nhà quản lý phải cùng thống nhất với nhau. Bạn cần có khả năng nghĩ về việc làm sao để cho bà lão 72 tuổi này cảm thấy thoải mái khi bị theo dõi dài hạn, bạn phải làm gì để có nghiên cứu này được các chuyên gia coi trọng. Đó là công việc thấu cảm."

 

Công việc tốt

Nhưng nhìn chung, Anders nói, ích lợi của khoa học nhân văn là trọng tâm của nó trong việc dạy sinh viên biết tư duy, phê bình và thuyết phục - thường là trong những vùng xám vốn không có nhiều dữ liệu để nghiên cứu, và họ cần phải tìm ra xem điều gì là đúng.

 

Do đó, cũng hơi ngạc nhiên khi các cử nhân ngành nhân văn làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

hoc-cac-nganh-xa-hoi-nhan-van-la-vo-dung

(Bản quyền hình ảnh: GETTY IMAGES)


Nhóm đông nhất trong số các sinh viên tốt nghiệp ngành này ở Mỹ - chiếm 15% trong số các cử nhân nhân văn - làm trong các vị trí quản lý. Theo sau là 14% làm các vị trí văn phòng và hành chính, 13% làm kinh doanh và 12% làm trong lĩnh vực giáo dục, chủ yếu là giảng dạy. Thêm 10% nữa làm kinh doanh và tài chính.

 

Và trong khi người ta hay mặc định rằng những nghề nghiệp mà các cử nhân khoa học nhân văn theo đuổi không được tốt bằng các công việc mà các kỹ sư hay bác sỹ có được - mặc định này không đúng.

 

Chẳng hạn như ở Úc, ba trong số 10 ngành nghề tăng trưởng nhanh nhất là trợ lý kinh doanh, thư ký và giám đốc quảng cáo, kinh doanh và quan hệ công chúng - tất cả đều có vẻ là những lĩnh vực quen thuộc mà sinh viên ngành nhân văn thường làm.

 

Trong khi đó, nghiên cứu của Glassdoor hồi năm 2019 cho thấy tám trong số 10 công việc tốt nhất ở Anh là các vị trí quản lý - những công việc hướng đến con người vốn đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và trí tuệ về cảm xúc. Và đa phần các công việc này nằm ngoài các ngành liên quan đến STEM.

 

Công việc tốt thứ ba là giám đốc tiếp thị, thứ tư là giám đốc sản phẩm, kỹ sư xếp tận vị trí thứ 18 - tức là xếp sau các vị trí trong các ngành truyền thông, nhân sự và quản lý dự án.

 

Một nghiên cứu mới đây trên 1.700 người từ 30 nước cho thấy đa số những người nắm các vị trí lãnh đạo có bằng khoa học xã hội hoặc nhân văn. Điều này đặc biệt đúng đối với những lãnh đạo dưới 45 tuổi, trong khi các lãnh đạo trên 45 nhiều khả năng theo học ngành STEM.

 

Đồng lương thấp?

Điều đó không có nghĩa là tấm bằng khoa học đại cương là con đường dễ dàng.

 

"Rất nhiều người mà tôi hỏi chuyện đã đi làm được năm hay 10 năm, và tôi có cảm giác rằng năm đầu tiên đi làm của họ rất trắc trở và họ mất khá lâu mới có chỗ đứng," Anders nói.

 

Đối với một số người mới ra trường, thử thách ban đầu là không biết họ sẽ làm gì trong cuộc sống. Đối với những người khác, đó là không có được những kỹ năng kỹ thuật với tấm bằng của họ so với những người đồng trang lứa học IT và phải tìm cách đuổi theo.

 

Những kỹ năng kỹ thuật chuyên môn cũng quan trọng trong thị trường lao động. Tuy nhiên có nhiều cách để có được chúng. "Tôi rất ủng hộ đi thực tập và học việc. Chúng ta đã thấy điều đó có thể trực tiếp đưa đến việc bạn có nền tảng kỹ năng chắc chắn hơn ở nơi làm việc," tư vấn phát triển sự nghiệp Christina Georgalla nói.

 

hoc-cac-nganh-xa-hoi-nhan-van-la-vo-dung

(Bản quyền hình ảnh: GETTY IMAGES)


Thế nhưng còn những rủi ro khác - như thất nghiệp cao và lương thấp - thì sao?

 

Đúng là học các ngành nhân văn có nguy cơ thất nghiệp cao hơn. Nhưng điều đáng lưu ý là nguy cơ này ít hơn là chúng ta nghĩ.

 

Đối với những người trẻ trong độ tuổi 25-34 ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của những người có bằng khoa học nhân văn là 4%. Còn những ai có bằng kỹ sư hay kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp trên 3% một chút. Tỷ lệ thấp như vậy thường là nằm trong ngưỡng sai số của nhiều cuộc khảo sát.

 

Lương bổng không phải là điều có thể nhìn thấy rõ ràng.

 

Tại Anh, những người kiếm được nhiều nhất nằm trong nhóm những người theo học y, dược, kinh tế hoặc toán. Tại Mỹ, đó là các ngành kỹ sư, khoa học tự nhiên hoặc kinh doanh. Một số ngành khoa học nhân văn phổ biến nhất, như lịch sử hoặc tiếng Anh, thì nằm ở nhóm dưới nếu xét về thu nhập.

 

Tuy nhiên đối với một số công việc, có vẻ như là sẽ tốt hơn nếu học một chuyên ngành chung thay vì một ngành học chuyên sâu.

 

Hãy xem ngành luật. Ở Mỹ, một sinh viên đi theo con đường dường như là trực tiếp nhất để trở thành luật sư hay thẩm phán - lấy bằng luật hay khoa học pháp lý - có thể kiếm được trung bình 94.000 đô la một năm. Tuy nhiên những ai có bằng triết học hay tôn giáo học có thể kiếm trung bình 110.000. Những cử nhân ngành khu vực học, dân tộc học hay văn minh học có thể kiếm 124.000 trong khi những sinh viên học ngành sử kiếm được 143.000 còn những ai học ngành goại ngữ có mức lương 148.000 - tức là cao hơn những cử nhân luật đến 54.000 đô la một năm, một con số ấn tượng.

 

Học cái gì mình thích

 

hoc-cac-nganh-xa-hoi-nhan-van-la-vo-dung

(Bản quyền hình ảnh: GETTY IMAGES)


Đó là nguyên do quan trọng, Mangan nói. Cho dù sinh viên có học ngành gì đi nữa, đó là ngành học mà họ không chỉ giỏi mà còn thật sự thích.

 

"Trong hầu hết các lĩnh vực mà tôi thấy, nhà tuyển dụng chỉ muốn biết rằng bạn có đi học đại học và bạn học giỏi. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng học ngành gì đó mà bạn thật sự thích là rất quan trọng - bởi vì khi đó bạn sẽ học rất tốt," bà giải thích.

 

"Thành công ở lĩnh vực nào đó, sau đó sẽ có nhiều tiền thay vì ngược lại. Hãy tập trung làm những việc mà bạn yêu thích và thật sự hào hứng thì người ta sẽ cho bạn công việc. Sau đó hãy phát triển sự nghiệp với công việc đó," Mangan nói thêm.

 

Amanda Ruggeri (BBC Capital)

Xếp hạng: 3.7 (3 bình chọn)

Tìm ngành học yêu thích

Bình luận