“Giờ đây hình ảnh du khách nằm dài tắm nắng trên bãi biển xa nhà cả vạn dặm hay cưỡi du thuyền lênh đênh trên đại đương dường như đã trôi vào dĩ vãng” - Trích bài phân tích đánh giá của McKinsey and Company. Thế nhưng chúng ta vẫn có quyền hi vọng về một viễn cảnh phục hồi của ngành công nghiệp dịch vụ Du Lịch - Khách sạn trong tương lai gần.
Không phải bây giờ chúng ta mới nghe về những ảnh hưởng của dịch bệnh lên ngành công nghiệp dịch vụ Du Lịch - Khách sạn. Năm 2003, dịch Viêm đường hô hấp cấp SARS đã để lại "di chứng" nặng nề cho ngành này. 50% lịch đặt khách sạn đã bị hủy, đồng nghĩa với việc giảm 9,4 triệu du khách quốc tế, thiệt hại tương đương khoảng 30 - 50 tỉ đô la cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, chỉ ba năm sau, năm 2006, Du lịch - Khách sạn vẫn đóng góp tới 5160 tỉ đô la vào GDP toàn cầu.
Ảnh hưởng của dịch bệnh là sự thật. Nhưng sự thật khác là đại dịch sẽ đi qua và chúng ta hi vọng thế giới sẽ bước vào trạng thái bình thường mới. Nhiều nước đã chấp nhận sống chung với COVID-19 và tái khởi động nền kinh tế. Ngành Du lịch - Khách sạn cũng đang trên con đường khôi phục lại với những giải pháp cho tương lai. Sau đây sẽ là một số giải pháp có thể giúp ngành Du lịch - Khách sạn vượt qua giai đoạn khó khăn hậu COVID này.
Ứng dụng công nghệ
Ngày nay, làm việc từ xa trở nên phổ biến và bình thường. Nhờ vào những đổi mới của công nghệ, ngay cả một ngành lấy con người làm trung tâm như quản lý khách sạn cũng có sự gia tăng của việc tìm kiếm thông tin từ xa. Trên thực tế, chủ khách sạn có thể quản lý tất cả các quy trình của khách sạn mà thậm chí không cần có mặt trực tiếp. Với hệ thống quản lý dựa vào công nghệ điện toán đám mây, họ có thể kiểm soát tất cả các hoạt động tại bất kỳ thời điểm nào và từ bất kỳ đâu.
Với công nghệ, chủ khách sạn có thể chuyển hoàn toàn một số công việc trong khách sạn sang làm việc từ xa, chẳng hạn như các vị trí liên quan đến bán hàng hoặc phát triển kinh doanh, thương mại điện tử, digital marketing, v.v.
Thế hệ Y, Z mở ra kỉ nguyên du lịch toàn cầu
Theo New York Post, thế hệ Y, Z là những người thích khám phá thế giới nhất sau khi đại dịch kết thúc. Họ dự kiến sẽ là những người đầu tiên đi du lịch sau khi các lệnh hạn chế được nới lỏng. Do đó, ngành Du lịch - Khách sạn nên xem xét các cách thức thu hút và coi họ là đối tượng khách hàng mục tiêu trong kế hoạch phục hồi kinh doanh. Ví dụ: 90% các bạn trẻ coi trọng giá trị thương hiệu hơn thông điệp "Sự hoàn hảo và trọn gói" của khách sạn (theo SayNTouch.com). Họ đánh giá cao giá trị về tính minh bạch, sự tin cậy và giá trị của thương hiệu.
Tận dụng thời gian trong COVID để bảo trì và cải tạo khách sạn
COVID-19 bùng phát không có nghĩa là ngành dịch vụ Khách sạn đóng cửa và chỉ chờ giai đoạn này kết thúc. Đây là thời điểm hoàn hảo để làm mới thương hiệu và tái cấu trúc hệ thống quản lý cũng như cơ sở vật chất. Để bắt đầu, bạn có thể lập danh sách các hạng mục, vật dụng và mọi thứ cần sửa chữa, kiểm kê vật tư bảo trì, kiểm tra hệ thống phòng giặt, kiểm tra lan can và ban công, thang máy, kiểm tra hệ thống khẩn cấp, hệ thống hồ bơi, đảm bảo tất cả các đèn đang tắt, v.v.
Tập trung vào việc phân phối dịch vụ của nhà hàng và khách sạn
Nhà hàng khách sạn có thể tăng doanh số bán hàng của nhà hàng trong thời gian COVID-19 bằng việc linh hoạt kinh doanh các sản phẩm và phân phối tới tận tay khách hàng.
Xem xét các quy trình đảm bảo về sức khỏe và an toàn của khách du lịch
Do tính chất dễ lây lan của COVID-19, ngành công nghiệp dịch vụ Du lịch và Khách sạn cần phải có các chính sách, quy định phù hợp, đặc biệt là đối với hoạt động kinh doanh khách sạn dựa trên các tương tác trực tiếp.
(Theo HospitalityNet)